banner-blog-post-1632469160.jpg

Phân biệt củ riềng và củ gừng? Mẹo nấu ăn ngon với củ riềng

Riềng là một loại củ quen thuộc với đa số người dân Việt Nam. Cùng với gừng, riềng được sử dụng rộng rãi trong chế biến, mang đến hương vị thơm ngon cho nhiều món ăn. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra sự khác biệt giữa củ gừng và củ riềng. Bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt được hai loại củ này, cùng với đó là những gợi ý về cách nấu ăn ngon với củ riềng.

Giới thiệu khái quát về củ riềng

Khái quát chung về củ riềng

Riềng là một loại củ cùng họ với gừng, được trồng chủ yếu ở các nước Đông Nam Á. Củ riềng là một loại cây thân thảo, chiều cao có thể lên đến 2m. Lá riềng giống hình mũi mác, phần đầu nhọn và có màu xanh. Hoa riềng thường nở vào tháng 5-8, mọc trên đỉnh cây. Rễ riềng phát triển theo chiều ngang, phình to thành củ. Khi củ riềng chuyển sang màu vàng nhạt thì có thể thu hoạch và sử dụng. 

Củ gừng và củ riềng khác nhau như thế nào?

Để phân biệt củ gừng và củ riềng, các bạn chỉ cần dựa vào những đặc điểm cơ bản sau:

Đặc điểm về hình dáng:

Củ riềng khi còn non có màu đỏ nâu, khi chín già chuyển sang màu vàng nhạt. Phần thân củ được chia thành nhiều đốt với kích thích khác nhau, lớp vảy mỏng bao phủ bên ngoài và có hương thơm nhẹ. Thân củ riềng có phần cứng hơn củ gừng. Riềng khi chín có phần ruột màu trắng hoặc vàng nhạt, đặc và chứa nhiều sợi xơ.

Khác nhau giữa củ riềng và củ gừng

Củ gừng được chia thành nhiều nhánh, kích cỡ không đều. Gừng có lớp vỏ mỏng bên ngoài cũng có màu vàng nhạt. Ruột gừng có vàng đậm, khi còn non sẽ có nhiều bột hơn. Khi gừng già, ruột sẽ có nhiều xơ. 

Đặc điểm về mùi vị:

Củ gừng và củ riềng đều có mùi hắc đặc trưng. Nhưng so với riềng, gừng có vị ngọt hơn và hơi cay. Trong khi đó, củ riềng chỉ hơi cay và có mùi thơm nhiều hơn.

Sử dụng củ riềng trong nấu ăn như thế nào?

Củ riềng có mùi thơm rất đặc trưng, tính nhiệt nên rất thích hợp khi sử dụng cho các nguyên liệu có tính hàn như thịt vịt, cua, cá... Đó là lý do củ riềng là gia vị tự nhiên không thể thiếu cho các món canh cua, canh cá, vịt rang riềng, cá kho,... Một trong những món ngon nổi bật khi nấu với củ riềng là thịt lợn giả cầy. Món ăn được nhiều người yêu thích bởi hương vị thơm ngon hấp dẫn, màu sắc ấn tượng. 

Nấu ăn ngon với củ riềng

Đó là những món ăn người ta thường nấu với củ riềng. Nhưng ít ai biết rằng, các phần khác của riềng như lá, hoa, quả đều có thể sử dụng trong ẩm thực. Lá riềng giã nhỏ, chắt lấy nước có thể ngâm cùng gạo nếp để tạo màu xanh đẹp mắt cho bánh chưng. Đặc biệt hơn cả là măng riềng, có nơi còn gọi là mầm riềng. Vào thời điểm đầu xuân, giữa hè hay đầu thu, ở những gốc riềng đã già thường xuất hiện những búp măng riêng có màu hồng nhạt, chưa mọc lá, đầu nhọn hoắt, thường cao từ 20-25cm. Người dân tộc vùng cao ở khu vực Điện Biên sử dụng măng riềng cho các món rau trộn hoặc món nộm, nhờ độ dai giòn cũng như vị ngọt nhẹ thơm ngon của măng riềng. Chính ý tưởng về sự kết hợp măng riềng trong các món rau đã mang đến một hương vị dân dã, giúp bữa cơm đỡ bị ngán. 

Như vậy, bên cạnh những lợi ích cho sức khỏe, củ riềng còn được biết đến với nhiều món ăn ngon, đậm đà bản sắc địa phương. Không chỉ được dùng để tẩm ướp, sử dụng riềng hay bột riềng khi chế biến sẽ giúp các món ăn thêm dậy vị và kích thích vị giác hơn.

Xem thêm: