banner-blog-post-1632469160.jpg

Phân biệt trà xanh và trà đen: Khác biệt cơ bản giữa hai loại trà

Trà xanh và trà đen là hai loại phổ biến trên thế giới được nhiều người ưa chuộng. Mỗi tách trà được xem như thức uống kỳ diệu giúp chúng ta xua tan cơn mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, thay vào là một nguồn năng lượng dồi dào cho một ngày học tập, làm việc năng suất. Nhưng trà xanh và trà đen có điểm gì khác biệt? Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về hai loại trà này.

Sự khác biệt giữa trà xanh và trà đen 

  • Về nồng độ oxy hóa

Quá trình oxy hóa là yếu tố tác động trực tiếp đến màu sắc và hương vị của mỗi loại trà. Nếu như trà đen có mức oxy hóa cao nhất thì trà xanh không áp dụng quá trình oxy hóa. 

Trà xanh có quy trình chế biến chỉ bao gồm 4 bước: thu hái, làm héo, vò trà và sao trà, không trải qua quá trình oxy hóa. Vì vậy, ngay sau khi thu hái, người làm trà nhanh chóng tiến hành công đoạn làm héo lá trà, sau đó sao trà hoặc hấp diệt men. Trà xanh thành phẩm do đó mà vẫn giữ được màu xanh tự nhiên. 

Trà đen được chế biến từ lá trà có trải qua quá trình ủ men oxy hóa. Khi đó, các enzym có trong lá trà sẽ khiến trà có màu tối hơn. Điều này là do trong quá trình oxy hóa đã diễn ra sự chuyển đổi các chất Polyphenol trong trà thành các hợp chất oxidase, đặc biệt nhất là còn tạo ra theaflavin và thearubigins. Trong đó, theaflavins là nguyên nhân làm cho trà sau khi pha có vị mạnh hơn. 

  • Về lượng caffein 

Trà đen giàu cafein hơn trà xanh. Đây là một dạng chất kích thích tự nhiên, hoạt động bằng cách kích thích não, hệ thần kinh, giúp tăng cường sự tỉnh táo và chống lại cảm giác mệt mỏi. Theo đó, nếu như mỗi cốc trà đen có chứa khoảng từ 42-72 miligam, thì mỗi cốc trà xanh chỉ chứa từ 9-50 miligam cafein. Hàm lượng cafein thực tế của mỗi loại trà còn phụ thuộc vào giống chè, điều kiện canh tác, cách chế biến và phương thức pha chế. 

  • Về màu sắc và hương vị

Trà đen có màu nâu đỏ, đậm vị, hơi chát dịu vì đã qua quá trình lên men. Hương thơm của trà khá nồng nàn, dư vị lưu lại lâu trong khoang miệng sau khi thưởng thức. Nhờ đặc điểm này mà trà đen thường được sử dụng để là cốt trà để pha trà sữa và các loại đồ uống khác, vì màu sắc và hương vị của trà đen ít bị lấn át bởi nguyên liệu khác. 

Trà xanh sau khi pha có màu sắc và hương vị khá giống với lá trà tươi. Nước trà thường có màu xanh nhạt hoặc vàng nhẹ tùy vào từng loại trà và cách pha chế. Khi thưởng trà, ban đầu bạn sẽ cảm nhận được vị đắng và vị chát nhẹ, sau cùng hậu vị ngọt đọng lại nơi cuống họng. 

Nên uống trà xanh hay trà đen?

Mỗi loại trà sẽ có những lợi ích nhất định cho sức khỏe của bạn. Trong đó, trà xanh được biết đến với hàm lượng EGCG rất cao. Đây là một chất chống oxy hóa, có khả năng ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Đồng thời, trà xanh còn có thể giúp cơ thể giải độc, tăng cường trao đổi chất và khả năng miễn dịch. Ngoài ra, trà xanh có tính axit ít hơn so với trà đen. 

Với trà đen, thì đây là loại trà có một loại axit amin có tên là L - theanine, giúp bạn thêm tăng cường sự tập trung, làm giảm các hoocmon gây căng thẳng. Tương tự như trà xanh, trà đen cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch nhờ thành phần theaflavins với khả năng bảo vệ tim, mạch máu và kiểm soát tốt lượng đường cũng như mức cholesterol. Nếu bạn muốn tăng cường cafein thì trà đen là lựa chọn phù hợp nhất. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, lợi ích cho sức khỏe từ các loại trà rõ ràng nhất khi bạn dùng trà hằng ngày trong nhiều năm. Tùy vào những mục tiêu khác nhau về sức khỏe hay theo sở thích, khẩu vị để bạn lựa chọn được loại trà phù hợp. Đừng ngần ngại thưởng thức và tìm ra hương vị yêu thích từ trà xanh, trà đen hay các loại trà thảo mộc khác để thực hiện nếp sống lành mạnh hơn nhé. 

Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc có góc nhìn cụ thể hơn về sự khác biệt giữa trà xanh và trà đen. Mỗi loại trà khi được sử dụng với liều lượng phù hợp mỗi ngày đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bên cạnh việc uống trà, hãy xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để cơ thể khỏe đẹp hơn mỗi ngày nhé.

Xem thêm: Phân biệt trà xanh và trà đen: Khác biệt cơ bản giữa hai loại trà