banner-blog-post-1632469160.jpg

Nên thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé như thế nào mới tốt?

Đây là một trong những vấn đề khiến nhiều gia đình rất băn khoăn, thậm chí là xảy ra nhiều cuộc tranh luận căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng, muối rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, cũng như giúp bé ăn ngon miệng hơn. Bên cạnh đó, nhiều người thì phản đối việc thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi. Vậy có nên sử dụng muối vào đồ ăn dặm cho bé và dùng như thế nào để đảm bảo sự phát triển của bé? Trong bài viết dưới đây, UniMall sẽ cùng bạn đọc tìm lời giải đáp cho vấn đề này.

Có nên thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé hay không?

Muối chứa 2 thành phần chủ yếu là natri và clo. Đây cũng là hai nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của tế bào, cũng như các cơ quan, bộ phận trong cơ thể. Vì vậy, ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ đều không thể thiếu muối trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày. 

Nêm muối vào đồ ăn dặm cho bé

Trên thực tế, khi mới bắt đầu cho bé ăn dặm (giai đoạn dưới 1 tuổi), việc thêm muối vào đồ ăn dặm cho trẻ là không cần thiết, vì những lý do sau:

Nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé đã có đủ lượng muối cần thiết

Ở giai đoạn đầu tập ăn dặm, hầu hết các bé đều tỏ ra không thích thú với đồ ăn dặm. Lý do cho điều này là vì bé cần thời gian để làm quen với đồ ăn dặm, chứ không phải vì đồ ăn thiếu muối nên nhạt nhẽo. Thực tế, sữa mẹ hay sữa công thức đã cung cấp đủ lượng muối cần cho bé trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, bé chỉ hấp thụ muối qua sữa mẹ, chưa từng biết đến vị muối như thế nào trước đó. Vì vậy, thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé là không cần thiết. 

thực phẩm cung cấp muối tự nhiên cho bé

Ngoài sữa, bản thân những thực phẩm cho bé ăn dặm đã có chứa một lượng muối nhất định như gạo, trứng, sữa, rau, củ,.. Các thực phẩm này khi chế biến mà không thêm muối có vẻ nhạt nhẽo và khó ăn với người lớn. Nhưng vị giác của trẻ nhạy hơn người lớn rất nhiều, nên nếu bạn thêm dù chỉ một nhúm muối thì đối với bé đã là rất mặn.

Ăn nhiều muối sẽ gây hại cho sức khỏe của bé

Có hại cho thận của bé: trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ cần một lượng muối rất nhỏ mỗi ngày (<1g muối đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi). Bởi lẽ, thận của các bé còn non nớt nên không thể chuyển hóa được một lượng muối quá lớn đi vào cơ thể. Về lâu về dài, thận của bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trẻ dễ còi xương: lượng natri dư thừa còn khiến trẻ trở nên biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc nhiều hơn làm cơ thể mất nước. Đồng thời, vì ăn mặn nên bé sẽ uống nước nhiều hơn. Điều này vô tình làm tăng nguy cơ đào thải canxi ra ngoài theo nước tiểu, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé khi lớn lên.

Ảnh hưởng đến khẩu vị của bé sau này: từ nhỏ bé đã hay ăn mặn, khi lớn lên sẽ hình thành thói quen ăn mặn hơn bình thường. Đây là tiền đề dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm về tim, huyết áp cao, ung thư, suy thận,...

Cách nêm muối vào đồ ăn dặm cho bé theo từng độ tuổi

Nhu cầu về lượng muối phù hợp cho bé theo độ tuổi

Theo nghiên cứu của một ủy ban về dinh dưỡng ở châu Âu, mức khuyến cáo về lượng muối cần thiết cho bé theo từng giai đoạn phát triển như sau:

đồ ăn dặm cho bé

Dưới 6 tháng tuổi: <1g muối/ngày

Từ 6-12 tháng tuổi: 1g muối/ ngày

Từ 1-3 tuổi: 2g muối/ngày

Từ 4-6 tuổi: khoảng 3g muối/ ngày

Từ 7-10 tuổi: khoảng 5g muối/ngày

Từ 11 tuổi trở lên: khoảng 6g muối/ngày

Lưu ý về việc dùng muối cho thực đơn hằng ngày của bé

Đối với thực phẩm tươi, bạn nên tìm kiếm các sản phẩm rau, củ, quả có hàm lượng natri thấp hơn. Với các nguyên liệu khác, khi chế biến hãy hạn chế việc nêm nếm nhiều gia vị để đảm bảo bé được hấp thụ đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm. Ngoài ra, để hỗ trợ bé ăn ngon và tiêu hóa tốt hơn, những gia vị tự nhiên sẽ là lựa chọn hoàn hảo. Bạn có thể dùng bột tỏi, hạt tiêu, rau mùi, rau thì là,... khi chế biến đồ ăn cho bé, giúp kích thích vị giác của bé theo cách an toàn và hiệu quả về lâu về dài.

Đối với các sản phẩm khác như bánh mì, ngũ cốc, nước xốt, chú ý về hàm lượng natri trên nhãn dán của sản phẩm. 

Như vậy, việc thêm muối vào đồ ăn dặm cho bé phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển. Ở mỗi độ tuổi, bạn cần cố gắng kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể bé mỗi ngày và nên giúp bé hình thành thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.

Xem thêm: Cách nêm gia vị cho bé ăn dặm chuẩn khoa học