Các loại muối thường dùng khi chế biến món ăn
Muối được xem là gia vị nấu ăn cơ bản, phổ biến trong căn bếp của nhiều gia đình. Nhưng trên thực tế, muối có nhiều loại và mỗi loại có cấu tạo cũng như giá trị sử dụng khác nhau. Trong bài viết này, UniMall sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu chi tiết hơn về các loại muối thường dùng khi nấu ăn.
Muối ăn
Đây là loại muối được sử dụng nhiều nhất trong gia đình. Có nguồn gốc từ các mỏ muối, muối ăn đã được tinh chế và loại bỏ hầu hết các khoáng chất tự nhiên vốn có. Đồng thời, người ta còn bổ sung các chất chống vón cục, để hạt muối luôn được mềm mịn. Do có kích thước nhỏ, muối ăn rất dễ hòa tan và được sử dụng khi nấu ăn hay làm bánh.
Trong chế biến, muối ăn chỉ nên được sử dụng với một lượng vừa đủ, khoảng 5gr/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Khi làm bánh, muối ăn đóng một vai trò gần như không thể thay thế bởi bất kỳ loại muối nào khác. Bởi lẽ, muối ăn có thể kiểm soát sự phát triển của nấm men cũng như tăng cường gluten. Vì có vai trò quan trọng, nên khi sử dụng, muối ăn cần được đong đếm chính xác theo tỷ lệ phù hợp với từng loại bánh.
Muối biển
Muối biển dùng để chỉ loại muối chưa tinh chế, được thu hoạch từ nước biển bay hơi. Vì chưa qua tinh chế, muối biển chứa rất nhiều khoáng chất và có hương vị đậm đà hơn so với muối ăn. Tuy vậy, độ mặn của muối biển thường phụ thuộc vào nơi thu hoạch muối. Do vậy, trước khi sử dụng, bạn nên nếm thử để biết độ mặn của muối và điều chỉnh cho phù hợp khi nêm nếm.
Muối biển có đặc tính thô, không được nghiền một cách kỹ lưỡng như muối tinh. Thông thường, muối biển thường được sử dụng để khử mùi thực phẩm, gia vị tẩm ướp hoặc dùng cho một vài công thức cho món mặn và món ngọt.
Muối hồng Himalaya
Muối hồng là loại muối được khai thác ở mỏ muối Khewra gần dãy Himalaya thuộc Pakistan. Loại muối này có màu hồng nhạt tự nhiên và ít được tinh chế. Không chỉ chứa natri, muối hồng còn chứa một lượng nhỏ các khoáng chất vi lượng như kali, magie và canxi. Đây cũng chính là nhân tố tạo nên màu hồng đặc trưng cũng như hương vị khác lạ của loại muối này.
Vì lượng natri trong muối hồng không cao, nên bạn có thể dễ dàng nêm nếm món ăn khi dùng loại muối này. Điều này đồng nghĩa với việc, lượng natri nạp vào cơ thể sẽ ít hơn muối ăn thông thường. Do đó, muối hồng cũng được xem là giải pháp cho những ai đang muốn thay đổi thói quen ăn mặn hay thực hiện một chế độ ăn kiêng lành mạnh.
Muối kosher
Muối kosher là loại muối có kết cấu tinh thể dạng mảnh to, hình dạng như hình kim tự tháp. Đây là loại muối yêu thích được nhiều đầu bếp sử dụng, vì muối kosher có vị mặn vừa phải, nên có thể dễ dàng điều chỉnh khi nêm nếm vào đồ ăn trong quá trình chế biến. Muối kosher thường được tận dụng để ướp thịt, giúp cho thịt giữ được độ ẩm nên thịt mềm và ngọt hơn.
Những lưu ý khi dùng muối
Muối đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của tế bào cũng như các cơ quan trong cơ thể. Song để đảm bảo một sức khỏe tốt, mỗi ngày chúng ta chỉ cần sử dụng một lượng muối vừa đủ khoảng 5gr/ ngày.
Dưới đây là một vài mẹo nhỏ khi dùng muối bạn nên áp dụng:
-
Khi nêm thức ăn, nên cho muối với lượng nhỏ trước rồi từ từ điều chỉnh cho phù hợp với khẩu vị.
-
Chú ý khẩu vị của các thành viên trong gia đình, vì có thể vừa miệng với người này nhưng mặn với người khác. Đó có thể dấu hiệu về tình trạng sức khỏe của bạn. Cần chú ý khi nêm thức ăn cho người mắc các bệnh liên quan đến huyết áp, dạ dày.
-
Dùng nước chấm với lượng vừa đủ, không chấm ngập thức ăn vào bát nước chấm.
-
Thay thế muối bằng các gia vị tự nhiên khác như hạt tiêu, thì là, hành, bột gừng, bột nghệ,... để làm tăng hương vị cho món ăn và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu hơn về các loại muối thường dùng cũng như cách sử dụng muối hợp lý và lựa chọn gia vị thích hợp để tăng hương vị cho món ăn, bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức khỏe.